Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Thành phố Đà Nẵng - quê hương tôi

ĐÀ NẴNG - THÀNH PHỐ BÌNH DỊ TRONG TÔI
Cách đây vài hôm, một người bạn hỏi tôi nên làm gì khi đến Đà Nẵng chơi, tôi ngần ngừ mất năm giây và trả lời, “Chả biết nữa.” Thế là bạn ấy nói, “Vậy thôi, để đi chỗ khác.” Lần này tôi lại lắc đầu quầy quậy và khẳng định chắc như đinh đóng cột, “Không, đến Đà Nẵng đi.” Bạn tôi ngẩn người ra chẳng hiểu gì, “Mày lạ nhỉ… Tao vẫn nghĩ mày biết rõ Đà Nẵng lắm.” Bốn năm trước tôi có yêu xa một cô gái Đà Nẵng, thế là từ ấy mỗi kỳ nghỉ tôi lại tìm cách chạy ra Đà Nẵng gặp nàng. Lần đầu tiên lên kế hoạch đến thành phố biển, tôi nghĩ tốt nhất mình hãy tạo ra một sự ngạc nhiên nho nhỏ, thế là tôi lẳng lặng mua vé máy bay mà chẳng nói với nàng tiếng nào.



Trước khi đi tôi còn lên mạng hỏi vài người bạn Đà Nẵng trong diễn đàn tôi hay tham gia. “Đà Nẵng có gì vui mày?” “Ơ… không biết nữa.” “Đến Đà Nẵng thì chơi cái gì?” “Chịu.” “Có chỗ nào rừng rú lãng mạn gì không, tao với bồ tao đi chơi?” “Thì cũng có, biển có núi có. Mà không có được như Đà Lạt đâu.” Hỏi vài lần tôi đâm ra nản, thành phố gì đâu mà đến cả người dân cũng không có ấn tượng. Nếu không vì bạn gái tôi chẳng bao giờ vác thân đến đó. Nhưng hóa ra tôi nhầm. Người Đà Nẵng là vậy, dù có nắm rõ thành phố trong lòng bàn tay, họ sẽ luôn trả lời “ngơ ngác” kiểu, “Chẳng biết nữa. Hình như không có gì đâu.” Bạn cứ đến tận nơi, đứng ngay nhà ga hay sân bay gì đó mà gọi điện cho họ, “Ê, tao tới nhà mày rồi nè!” Có khi chiều hôm ấy họ vẫn nói, “Tối chả biết đi đâu”, nhưng chập tối vừa xuống lại gọi điện cho bạn, “Nhậu không? Tao biết quán này ngon số dzách.” Khuya đưa bạn về nhà, chuếnh choáng hơi men, họ vẫn không quên nhắn lại, “Sáng mai dậy sớm tao chở ra biển nghen mày.”


Đà Nẵng hiền như cô gái tôi yêu vậy. Không phải kiểu hiền thục nữ tính, mà sự hiền lành. Đà Nẵng có sông Hàn nhưng không lớn bằng sông Cửu Long, có núi Sơn Trà nhưng dân phượt không có ai leo lên đó cắm cờ chụp hình, có bãi biển đẹp nhưng không nổi tiếng bằng Nha Trang (mặc dù tôi thấy nó đẹp hơn vạn lần), và có vô số những địa điểm không tên, chỉ có thể miêu tả trong lời dân địa phương, “Hôm nào thích thì xách máy ảnh theo, tui chở lên chỗ gì trên đường lên núi. Đã lắm nghe ông! Sau lưng là núi, nhìn xuống là biển, nhậu rứa mới là nhậu.” Miêu tả địa danh như vậy quả thật tôi không thể tìm thấy trong các sách giới thiệu du lịch, mà khổ nỗi Đà Nẵng hầu như là những địa danh không tuổi không tên như thế. Lúc xưa tôi nghĩ người Đà Nẵng vì vậy mà cũng ngại ngần khi giới thiệu về thành phố của họ.



Chẳng hạn như có một lần ông anh của nàng lặn lội chở tôi qua Nam Ô mua nước mắm, “Chắc không bằng Phú Quốc đâu, nhưng ăn một lần cho biết.” Hay có người tối dẫn tôi đi bar – những quán bar ở dọc sông Hàn – gọi vài shot tequila xong lại dặn trước, “Chắc không bằng ở Sài Gòn, nhưng mà nhìn sông Hàn đẹp đẹp phải không?” Lần nào tôi cũng cười. Đà Nẵng tựa như gã em út trong một nhà đông con, chuyện gì cũng có mấy ông anh bà chị đi trước lãnh hết, nước mắm có Phú Quốc, đền đài có Huế, mùa thu có Hà Nội, mùa mưa có Sài Gòn. Dường như người Đà Nẵng vì thế ít khi biết quảng cáo chuyện gì, họ chỉ biết yêu thành phố của họ theo lối “không tuổi không tên” vậy thôi. Nhưng Đà Nẵng bây giờ cũng khác xưa, như cô gái qua tuổi 18 đến 20, hiểu rằng đã đến lúc đi tìm một cá tính cho riêng mình. Những người bạn Đà Nẵng trong facebook của tôi bắt đầu nói về “thành phố của những cây cầu”, của “Lễ hội Pháo hoa Quốc tế.” Có người tính toán kỹ hơn lại nhắc đến Đà Nẵng như điểm trung chuyển của hành trình văn hóa Huế - Mỹ Sơn – Hội An.

Hay như lần trước tôi ra Đà Nẵng, có em gái nhỏ dẫn đi ăn bánh tráng trứng, luôn miệng khoe rằng món này mỗi Đà Nẵng mới có. “Thế cái này là món đặc sản truyền thống của Đà Nẵng à?” – tôi hỏi. “Đặc sản truyền thống chi anh?! Mới có đây thôi à, nhưng mà Đà Nẵng ngon nhứt. Thiên đường bánh tráng đó. Ăn đi, ăn đi!” Từ hôm đó Đà Nẵng “chết” tên trong tôi là “Thiên đường bánh tráng.” Cái tên không mộc mạc chân quê, cũng không lộng lẫy vàng son, nó rõ ràng là tên đặt bởi một cô gái 9x, mà Đà Nẵng thì rất 9x trong mắt tôi: quá khứ chưa dày dặn, tương lai ở trước mặt, và tiềm năng đang khơi mở.



Một lần nọ hàn huyên với gã kiến trúc sư học ở Sài Gòn rồi lại về Đà Nẵng lập nghiệp, gã nói, “Không phải cứ mấy cây cầu rồi pháo hoa này nọ là xong. Đà Nẵng còn nhiều thứ để làm.” “Ý ông là sao?” “Đà Nẵng bây giờ, tạm cho là một anh thanh niên thành đạt, có tiếng có miếng. Nhưng cái tôi muốn thấy là ngày nào đó nó sẽ trở thành một quý ông, không chỉ có vật chất mà phát triển cả về văn hóa, văn minh.” Tôi gục gặc cho qua chuyện vì nồi cháo cá hấp dẫn đang bốc khói nghi ngút trước mặt. Nhưng từ lời ông bạn kiến trúc sư mà ngẫm ra, người Đà Nẵng dù yêu thành phố họ đến thế nào, dù “cục bộ địa phương” đúng lối miền Trung thế nào, họ vẫn luôn giữ một góc khiêm cung trong lòng để nhận thức mình cần phải tiếp thu cái mới. Mà thế thì rồi đây thành phố này sẽ còn đổi thay nhiều lắm.



Đã vài năm trôi qua kể từ lần đầu tôi đặt chân đến Đà Nẵng, lòng háo hức gặp người yêu xa xôi. Người yêu giờ đã chia tay. Tôi không còn gặp nàng, nhưng năm nào cũng “hẹn hò” Đà Nẵng ít nhất một lần. Hôm trước ngồi café với thằng bạn Sài Gòn chuẩn bị ra ngoài ấy công tác, giới thiệu cho nó về Đà Nẵng theo kiểu “không tuổi không tên” tôi bỗng ngộ ra. Người Đà Nẵng không phải là những marketer tồi. Mặc dù họ không biết cách khoa trương dụ dỗ bạn đến, nhưng họ biết cách khiến bạn quay lại. Một lần nữa. Và một lần nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét